Phương pháp CW (Corner Work)

1. Dạy học theo góc là gì?

Khi nói tới học theo góc có nghĩa là các học sinh của một lớp học được học  tại các vị trí/khu vực khác nhau để thực hiện các nhiệm vụ được giao trong một môi trường học tập có tính khuyến khích hoạt động và thúc đẩy việc học tập. Các hoạt động có tính đa dạng cao về nội dung và bản chất, hướng tới việc thực hành, khám phá và thực nghiệm.

2. Giai đoạn chuẩn bị :

Bước 1. Xem xét các yếu tố cần thiết để học theo góc đạt hiệu quả

- Lựa chọn nội dung bài học phù hợp : không phải bài học nào cũng có thể tổ chức cho HS học theo góc có hiệu quả. Tùy theo môn học, dạng bài học, GV cần cân nhắc xác định những nội dung học tập sao cho việc áp dụng dạy học theo góc có hiệu quả hơn so với việc sử dụng phương pháp dạy học khác.

Thời gian học tập : Việc học theo góc không chỉ tính đến thời gian học sinh thực hiện nhiệm vụ học tập mà GV cần tính đến thời gian GV hướng dẫn giới thiệu,  thời gian HS lựa chọn góc xuất phát, thời gian HS luân chuyển góc,…

- Không gian lớp học : Nếu không gian lớp học quá nhỏ sẽ khó có thể bố trí các góc/khu vực học tập riêng biệt.

- Sĩ số : Nếu số lượng học sinh quá đông thì GV sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức và quản lý các hoạt động học tập của HS ở mỗi góc.

- Ý thức và khả năng học độc lập của  học sinh : Mức độ tự định hướng và mức độ học độc lập của học sinh như thế nào chỉ có thể trả lời một cách thỏa đáng khi tổ chức cho HS học theo góc. Khả năng tự định hướng, tính tự giác của học sinh càng cao thì việc tổ chức lớp học theo góc càng thuận tiện.

Bước 2. Xác đinh nhiệm vụ và hoạt động cụ thể cho từng góc

- Đặt tên góc sao cho thể hiện rõ đặc thù của hoạt động học tập ở mỗi góc và hấp dẫn với HS.

- Thiết kế nhiệm vụ ở mỗi góc, quy định thời gian tối đa cho hoạt động ở mỗi góc và các cách hướng dẫn để học sinh chọn góc, luân chuyển góc cho hiệu quả (nếu bài học yêu cầu học sinh học  theo hệ thống quay vòng các góc).

- Biên soạn phiếu học tập, văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ, bản hướng dẫn tự đánh giá, đánh giá đồng đẳng, đáp án, phiếu hỗ trợ học tập ở các mức độ khác nhau (nếu cần),….

Ví dụ : Văn bản hướng dẫn cần đề cập đến các việc sau :

+ Những nhiệm vụ HS phải làm và nhiệm vụ HS có thể làm.

+ Ai sẽ chữa bài tập.

+ Có thể tìm tài liệu cần thiết ở đâu.

+ HS làm bài tập cá nhân hay theo nhóm.

+ Sản phẩm HS cần có sau hoạt động tại góc này.

- Xác định và chuẩn bị những thiết bị, đồ dùng, phương tiện cần thiết cho HS hoạt động.

3. Giai đoạn 2. Tổ chức cho HS học theo góc

Bước 1. Sắp xếp không gian lớp học

- Bố trí góc/khu vực học tập phù hợp với nhiệm vụ, hoạt động học tập và phù hợp với không gian lớp học. Việc này cần tiến hành trước khi có tiết học.

- Đảm bảo có đủ tài liệu phương tiện, đồ dùng học tập cần thiết ở mỗi góc.

- Lưu ý đến lưu tuyến di chuyển giữa các góc.

Bước 2. Giới thiệu bài học/nội dung học tập và các góc học tập

- Giới thiệu tên bài học/nội dung học tập; Tên và vị trí các góc.

- Nêu sơ lược nhiệm vụ mỗi góc, thời gian tối đa thực hiện nhiệm vụ tại các góc.

- Dành thời gian cho HS chọn góc xuất phát , GV có thể điều chỉnh nếu có quá nhiều HS cùng chọn một góc.

- GV có thể giới thiệu sơ đồ luân chuyển các góc để tránh lộn xộn. Khi HS đã quen với phương pháp học tập này, GV có thể cho HS lựa chọn thứ tự các góc (xem sơ đồ dưới đây).

Day-hoc-theo-goc-1.png

Bước 3. Tổ chức cho HS học tập tại các góc

- HS có thể làm việc cá nhân, cặp hay nhóm nhỏ tại mỗi góc theo yêu cầu của hoạt động.

- GV cần theo dõi, phát hiện khó khăn của HS để hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời.

- Nhắc nhở thời gian để HS hoàn thành nhiệm vụ và chuẩn bị luân chuyển góc.

Bước 4. Tổ chức cho HS trao đổi và đánh giá kết quả học tập (nếu cần)

Một số điểm cần lưu ý

- Tổ chức : Có nhiều hình thức tổ chức cho HS học theo góc. Ví dụ :

a. Tổ chức góc theo phong cách học  dựa vào chu trình học tập của Kobl:

Day-hoc-theo-goc-2.png

b. Tổ chức học theo góc dựa vào việc hình thành các kỹ năng môn học (ví dụ: các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết trong môn Ngữ văn, Ngoại ngữ).

c. Tổ chức học theo góc liên hệ chặt chẽ với học theo hợp đồng trong đó bao gồm các góc “phải” thực hiện và góc “có thể” thực hiện.

Đối với môn hóa học thường sử dụng 4 góc:

Day-hoc-theo-goc-3.png

4. Ưu điểm và hạn chế

Ưu điểm

- HS được học sâu và hiệu quả bền vững : HS được tìm hiểu nội dung học tập theo các phong cách khác nhau, theo các dạng hoạt động khác nhau, do đó, HS hiểu sâu, kiến thức nhớ lâu.

- Tăng cường sự tham gia, nâng cao hứng thú và cảm giác thoải mái của HS : HS được chọn góc theo sở thích và tương đối chủ động, độc lập trong việc thực hiện các nhiệm vụ. Do đó, các em cảm thấy hứng thú và thoải mái hơn.

- Tạo được nhiều không gian cho thời điểm học tập mang tính tích cực : Các nhiệm vụ và hình thức học tập thay đổi tại các góc tạo cho HS nhiều cơ hội khác nhau (khám phá, thực hành, áp dụng, sáng tạo, chơi,...). Điều này cũng giúp gây hứng thú tích cực cho HS.

- Tăng cường sự tương tác cá nhân giữa GV và HS, HS và HS; GV luôn theo dõi trợ giúp, hướng dẫn khi HS yêu cầu. Điều đó tạo ra sự tương tác cao giữa GV và HS, đặc biệt là HS TB, yếu. Ngoài ra HS được tạo điều kiện để hỗ trợ, hợp tác với nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ học tập.

- Đáp ứng được sự khác biệt của HS về sở thích, phong cách, trình độ và nhịp độ :

Hạn chế

- Học theo góc đòi hỏi không gian lớp học rộng với số lượng HS vừa phải.

- Cần nhiều thời gian cho hoạt động học tập.

- Không  phải bài học/nội dung nào cũng áp dụng được phương pháp học theo góc.

- Đòi hỏi giáo viên phải có kinh nghiệm trong việc tổ chức, quản lý và giám sát hoạt động học tập cũng như đánh giá được kết quả học tập của HS.

 

5. Những kĩ thuật dạy học tích cực hỗ trợ dạy học theo góc

Kĩ thuật khăn phủ bàn:

Kĩ thuật khăn phủ bàn là kĩ thuật tổ chức hoạt động học tập mang tính hợp tác kết hợp giữa hoạt động cá nhân và nhóm.

Cách tiến hành: GV chia HS làm các nhóm và phát cho mỗi nhóm một tờ giấy A0.

Trên giấy A0 chia làm các phần, phần chính giữa và các phần xung quanh. Phần xung quanh được chia theo số thành viên của nhóm. Trong trường hợp nhóm quá đông thì có thể ghi ý kiến cá nhân vào giấy A4, sau đó đính ý kiến lên giấy A0.

Mỗi cá nhân làm việc độc lập trong khoảng vài phút, tập trung suy nghĩ trả lời câu hỏi/ nhiệm vụ theo cách hiểu của bản thân và viết vào phần giấy của mình.

Trên cơ sở ý kiến của mỗi cá nhân, HS trong nhóm thảo luận, thống nhất và viết/ đính vào phần chính giữa của tờ giấy A0 “khăn phủ bàn”.

Tóm lại, đây là một kĩ thuật dạy học đơn giản, dễ thực hiện nhưng để giờ học đạt hiệu quả cao thì đòi hỏi có sự tham gia của tất cả các thành viên trong nhóm, só sự phối hợp nhịp nhàng trong hoạt động cá nhân và hoạt động nhóm.

Kĩ thuật lược đồ tư duy:

Bản đồ tư duy của Tony Buzan - chuyên gia và tác giả hàng đầu về não và phương pháp học tập, là một công cụ hỗ trợ tư duy hiện đại, một kỹ năng sử dụng bộ não rất mới mẻ. Đó là một kỹ thuật hình hoạ, một dạng sơ đồ, kết hợp giữa từ ngữ, hình ảnh, đường nét , màu sắc tương thích với cấu trúc, hoạt động và chức năng của bộ não.

Cách thiết lập lược đồ tư duy: Ở vị trí trung tâm lược đồ là một hình ảnh hay một từ khóa thể hiện một ý tưởng hay khái niệm/ chủ đề/ nội dung chính.

Từ trung tâm sẽ được phát triển nối với các hình ảnh hay từ khóa/ tiểu chủ đề cấp 1 liên quan bằng các nhánh chính (thường tô đậm nét).

Từ các nhánh chính tiếp tục phát triển phân nhánh đến các hình ảnh hay từ khóa/ tiểu chủ đề cấp 2 có liên quan đến nhánh chính.

Cứ thế, sự phân nhánh cứ tiếp tục các khái niệm/ nội dung/ vấn đề liên quan luôn được nối kết với nhau. Chính sự liên kết này sẽ tao ra một “bức tranh tổng thể” mô tả về khái niệm/ nội dung/ chủ đề trung tâm một cách đầy đủ, rõ ràng.

Theo dõi chúng tôi để biết thêm nhiều thông tin bổ ích khác !!!

Fanpage: https://www.facebook.com/dtgroupedu1

TikTok: https://www.tiktok.com/@edutech.dtg

Youtubehttps://www.youtube.com/@minedutech

Zalo: 0354895669

Ủng hộ 5 sao cho chúng tôi: https://goo.gl/maps/7yWa9BgHai1wF3qU6